Từ khi Luật Công chứng năm 2014 có hiệu lực thi hành cho đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh giữ vai trò là cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đã chủ động, tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, xây dựng kế hoạch triển khai Luật Công chứng đến các sở, ban, ngành; đơn vị, tổ chức và người dân hiểu rõ về Luật Công chứng.
Sau triển khai, hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang dần được trở về đúng bản chất là hoạt động dịch vụ công, đồng thời là một nghề do công chứng viên (không nhất thiết là công chức, viên chức) thực hiện, nhằm mang lại tính xác thực cho các hợp đồng, giao dịch; qua đó, bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên giao kết, phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật. Cùng với đó, cơ chế quản lý công chứng cũng được xác định một cách cụ thể hơn cho phù hợp với tình hình mới.
Ngoài việc triển khai thực hiện các văn bản của Chính phủ và các bộ, ngành, để việc triển khai một cách hiệu quả, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ban hành các văn bản như: Quyết định số 11/2016/QĐ-UĐND ngày 29/3/2016 về việc quy định mức trần thù lao công chứng áp dụng đối với các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; Quyết định số 19/2018/QĐ-UBND ngày 16/7/2018 ban hành quy định tiêu chí, cách thức xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Các văn bản này cùng với Luật Công chứng năm 2014 và các văn bản của Trung ương đã tạo hành lang pháp lý để các tổ chức hành nghề công chứng hoạt động. Song song đó, cũng theo các quy định của Luật Công chứng, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1456/QĐ-UBND ngày 24/6/2016 về việc cho phép thành lập Hội Công chứng viên tỉnh Kiên Giang, chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Ban Vận động thành lập Hội tổ chức thành công Đại hội đại biểu công chứng viên tỉnh lần thứ I, nhiệm kỳ 2016 – 2021, bầu Ban Chấp hành Hội gồm 7 ủy viên: Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và 4 ủy viên.
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản pháp luật có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cho phép chuyển đổi Phòng công chứng số 2 thành Văn phòng công chứng. Như vậy, qua 5 năm thi hành, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có 14 tổ chức hành nghề công chứng, gồm: 01 Phòng công chứng và 13 Văn phòng công chứng với tổng số 38 công chứng viên, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đã công chứng, chứng thực 1.136.158 hợp đồng, giao dịch, phí thu được gần 147 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 26 tỷ đồng.
Nhằm góp phần giúp cho hoạt động chuyên môn nghiệp vụ công chứng ngày càng đi vào nề nếp, hàng năm, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua đó, kịp thời chấn chỉnh đối với các khuyết điểm, sai sót và xử lý đối với các vi phạm của cá nhân, tổ chức trong quá trình hành nghề công chứng, Sở đã tiến hành 23 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 13 Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh, qua công tác thanh tra đã ban hành 02 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 công chứng viên với số tiền phạt là 17 triệu đồng.
Bên cạnh những kết quả trên, qua 05 năm triển khai thi hành Luật Công chứng, hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh cũng bộc lộ một số bất cập như: trình độ pháp lý và kỹ năng hành nghề giữa các công chứng viên không đồng đều; có trường hợp công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng vi phạm trong quá trình hành nghề, việc thực hiện các trình tự, thủ tục, thu phí công chứng chưa đúng quy định; tình trạng người công chứng sử dụng giấy tờ giả như: bằng tốt nghiệp đại học, chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận tình trạng độc thân, giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng nhà, đất; hợp đồng mua bán căn hộ, đăng ký ô tô, xe máy… ngày càng tăng.
Về phía cơ quan nhà nước thì sự phối hợp, kết hợp giữa các ngành, các cấp trong thực hiện pháp luật về công chứng còn chưa đồng bộ. Quy định pháp luật liên quan đến công chứng mặc dù tương đối đầy đủ nhưng trong thực tiễn, việc tiếp nhận, giải thích, hướng dẫn của mỗi cơ quan, UBND các cấp…chưa thống nhất, nên người dân có trường hợp còn mất thời gian liên hệ nhiều lần để hoàn thiện hồ sơ.
Để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong hoạt động công chứng, địa phương đang triển khai thực hiện một số giải pháp như:
Thứ nhất, nâng cấp cơ sở dữ liệu công chứng theo hướng hiện đại, phù hợp với thực tế phát triển nghề công chứng cũng như công nghệ thông tin hiện nay, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các giao dịch mà không lo bị rủi ro do thiếu thông tin.
Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót và có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục triệt để, xử lý đúng quy định đối với các tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên và người công chứng vi phạm quy định của pháp luật. Đồng thời, yêu cầu các ngành liên quan, địa phương cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền trong dân, đồng thời, phối hợp trao đổi để thống nhất trong việc thực hiện các quy định của luật công chứng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu tham gia dịch vụ này.
Thứ ba, đẩy mạnh việc phát triển đội ngũ công chứng viên đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội về công chứng. Bên cạnh đó, các công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng có giải pháp để nâng cao trách nhiệm và năng lực thẩm định hồ sơ của công chứng viên để ngăn ngừa việc công chứng giả mạo như: thường xuyên cập nhật các mẫu giấy tờ do cơ quan nhà nước ban hành, tham gia các lớp nghiệp vụ về cách thức nhận biết giấy tờ thật giả, đồng thời, cần đầu tư trang bị các máy móc hiện đại để kiểm tra, đối chiếu.
Luật Công chứng năm 2014 ra đời đã tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia xác lập, thay đổi, chấm dứt các giao dịch dân sự; góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cũng như hạn chế những tranh chấp phát sinh giữa các bên trong quan hệ giao dịch dân sự; qua đó, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân. Nhìn chung, sau 05 thi hành Luật Công chứng, mặc dù có những tồn tại, hạn chế nhất định nhưng những kết quả mà hoạt động công chứng mang lại là tích cực, góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang./.
Kim Loan